Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết tăng học phí đại học là vấn đề cần thiết, đang được nghiên cứu, xây dựng chính sách đồng bộ, nhưng cũng cần có bước đi phù hợp và tham vấn của các bên liên quan.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã nhận được khuyến nghị của nhóm Đối thoại giáo dục.
"Bộ trân trọng kết quả nghiên cứu và tâm huyết của nhóm khi đưa ra khuyến nghị này. Trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học theo Nghị quyết 29, chúng tôi mong muốn nhận được thêm phản biện và khuyến nghị của nhóm, của các cá nhân và tổ chức khác trong và ngoài nước để nhìn vấn đề toàn diện hơn; góp phần làm cho các chính sách ban hành phù hợp với thực tế trong nước cũng như xu hướng phát triển giáo dục đại học trên thế giới", bà Phụng nói.
Theo quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học, về nội dung, báo cáo đưa các khuyến nghị về 4 nhóm bao gồm: Cải cách quản trị đại học, cải cách tài chính; đảm bảo chất lượng trên cơ sở tăng cường kiểm định trong nước và quốc tế; tăng cường dân chủ nội bộ và tự do học thuật. Trong đó, nhiều vấn đề Việt Nam đã và đang nghiên cứu, xây dựng chính sách, từng bước thực hiện.
Đó là cải cách quản trị đại học bằng cách quy định rõ về tiêu chuẩn, thành phần, chức năng, nhiệm vụ Hội đồng trường trong Điều lệ trường đại học mới; chuẩn bị hệ thống kiểm định trong nước và bước đầu tham gia kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế; ban hành quyết định số 77 năm 2014 để thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; quy định về công khai thông tin, phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học…
"Điều đó có nghĩa là nhiều nội dung của báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam", bà Phụng cho hay.
Báo cáo của nhóm Đối thoại cũng khẳng định việc thay đổi giáo dục đại học phải mang tính hệ thống nhưng cũng cần lưu ý đặc thù của đại học Việt Nam để xây dựng một lộ trình cải cách hiệu quả. Pà Phụng cho rằng, cái khó là việc xác định đúng những vấn đề mang tính đặc thù và xác định lộ trình đổi mới phù hợp. Ví dụ, tăng học phí đại học là vấn đề cần thiết, đang được nghiên cứu, xây dựng chính sách đồng bộ (gồm cả chính sách liên quan như học bổng và tín dụng sinh viên), nhưng cũng cần có bước đi phù hợp và tham vấn của các bên liên quan…
Lãnh đạo Bộ Giáo dục đã giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu báo cáo, tiếp thu những khuyến nghị phù hợp trong quá trình quản lý nhà nước và xây dựng chính sách, pháp luật về giáo dục đại học. "Đóng góp của nhóm Đối thoại giáo dục cũng như của các chuyên gia khác ở trong và ngoài nước đều được nghiên cứu, xem xét khi xây dựng chính sách. Trong quá trình thực hiện đổi mới, từng vấn đề phù hợp, Bộ đã và sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, cá nhân, tổ chức có liên quan", quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học cho hay.
Trước đó, nhóm Đối thoại giáo dục (VED) gồm những nhà khoa học tâm huyết với giáo dục Việt Nam (trong đó có GS Ngô Bảo Châu) khuyến nghị nên phân quyền làm chủ đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan vì chỉ có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học thì mới thực hiện tốt vai trò làm chủ.
Nhóm cũng đề xuất để trường đại học được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo. Chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác căn cứ trên mức chấp nhận của thị trường; tiền hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Từng trường phải trích một phần nhất định từ doanh thu làm học bổng cho học sinh nghèo và giỏi.
Để nâng cao chất lượng giáo dục bậc học quan trọng nhất, tạo ra nguồn nhân lực cho thị trường, các nhà khoa học cũng đề xuất phải kiểm định chất lượng (quality accreditation), công khai thông tin chất lượng (quality information disclosure), xếp hạng (ranking) và đối sánh.
Hoàng Thùy
vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét