>> Nữ sinh trường chuyên giành quán quân cuộc thi tiếng Anh
>> Vật vờ theo con đi luyện tiếng Anh
>> Làm thế nào để trẻ em thích học tiếng anh
Lớp học tại làng chài nghèo nằm ven sông Lạch Tray thuộc phường Ngọc Sơn (Q.Kiến An, TP Hải Phòng). Vừa thấy bóng anh Phạm Thái Huy (21 tuổi, sinh viên khoa tiếng Anh Trường đại học Hải Phòng) đi xe đạp tới, những đứa trẻ đang nô đùa trên đường làng ven sông náo nức gọi nhau đến lớp.
Cậu bé Trần Trung Thành (6 tuổi) hô lớn: “Vào lớp thôi mấy bạn ơi, thầy giáo đến”, rồi nhanh chóng chạy vút vào chiếc thuyền nhỏ để lấy túi sách được chuẩn bị sẵn đến lớp học. Tự sắp bàn học ra sàn ngay ngắn, các cô cậu học sinh với quyển vở và tấm bảng chữ cái tiếng Anh háo hức chờ đợi buổi học bắt đầu.
Thường buổi học chỉ kéo dài hơn hai giờ nhưng không khí học tập luôn sôi động với những cánh tay liên tục xung phong phát biểu.
“Cháu chỉ mong ngày cuối tuần tới thật nhanh để được đến lớp học cùng các bạn. Ở đây thầy giáo dạy dễ hiểu, lại hay có thưởng nên cháu rất thích” - Kiên, một học sinh trong lớp, nói. Cuối buổi học, các bạn nhỏ thường được giải trí bằng các hoạt động như xem phim hoạt hình hoặc trò chơi vận động liên quan đến tiếng Anh.
“Trước kia khi lớp mới hình thành, các em bỏ học thường xuyên vì than khó và thường phải phụ gia đình làm thêm việc nhà. Sau một thời gian kiên trì thuyết phục và theo đuổi, đến nay các em tiếp thu nhanh và rất thích đến lớp” - Huy chia sẻ. Mới đó mà đã nửa năm từ khi lớp học ra đời.
Lớp học hình thành từ ý tưởng của chị Phạm Thị Mến - giảng viên khoa tiếng Anh Trường đại học Hải Phòng, chủ nhiệm Câu lạc bộ English For All - và du học sinh tại Anh là Hoàng Đức Huy đề xướng.
Mỗi năm anh Huy góp 16 triệu đồng để lớp học có chi phí duy trì ổn định. Anh Huy chia sẻ: “Ngay từ khi mới thành lập đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của khoa tiếng Anh Trường ĐH Hải Phòng lẫn các sinh viên tình nguyện”.
20 tình nguyện viên được chọn từ khoa chuyên ngành tiếng Anh Trường ĐH Hải Phòng phân công phụ trách từng khối lớp khác nhau.
“Mỗi tình nguyện viên tham gia chương trình được hỗ trợ 50.000 đồng mỗi buổi, nhưng các bạn thường bỏ thêm tiền túi mua bút mực, sách vở và bánh kẹo động viên các em nhỏ có thành tích học tập tốt” - chị Mến cho biết.
Ở làng chài có 24 hộ dân sinh sống đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và chỉ số ít biết chữ nên ai cũng đều mong muốn con được đến lớp học.
Ông Trần Văn Đoan (57 tuổi, quê gốc ở Hải Dương) nói về cháu ngoại Trần Văn Việt (6 tuổi) đang theo học tại lớp: “Cả nhà tôi đều không biết chữ nên mong muốn cháu được đến lớp cho bớt khổ. Ngày cuối tuần thấy cháu đi học về là lại ê a đọc tiếng nước ngoài, dù mình không hiểu nhưng trong lòng vẫn thấy phấn khởi”.
Ông Đoan cho biết thêm trước kia khi không có lớp học cháu vẫn thường phải đi đánh cá phụ ông bà nhặt con tôm con tép, giờ có lớp học thì ông bà cố gắng làm để cho cháu đến lớp.
Nói về dự định sắp tới, anh Huy cho hay nhóm đang tổ chức tìm kiếm thêm các cộng tác viên và có ý tưởng sẽ tiếp tục mở thêm lớp xóa mù chữ vào buổi tối cho người dân trong làng chài.
TIẾN THẮNG
Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét