Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ma trận đề thi cho tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ma trận đề thi sẽ phản ánh đầy đủ các cấp độ nhận thức từ dễ đến khó (biết, hiểu, vận dụng thấp - vận dụng cao) ứng với các khối nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Ma trận đề thi cũng sẽ phản ánh tương quan giữa nội dung với các cấp độ nhận thức một cách hợp lý để đề thi đảm bảo vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Khó đạt điểm cao
Về mẫu đề thi môn Toán, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết: “Kiến thức trong đề thi mẫu chủ yếu thuộc về lớp 12. Có gần 60% những câu hỏi cơ bản, còn lại khoảng 40% câu hỏi nâng cao. Những câu hỏi nâng cao đã phân hóa được học sinh khá, giỏi, trung bình. Học sinh muốn kiếm được điểm tuyệt đối là không dễ”.
Theo PGS Văn Như Cương, với cấu trúc đề thi ở môn Toán, những thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT hoặc với thí sinh học thiên về các môn xã hội thì để đạt điểm cao môn Toán là rất khó. Với cấu trúc đề thi thế này, thí sinh học lực trung bình có thể làm được tầm 4 điểm, cộng thêm với điểm học bạ, các môn khác nữa là đủ đỗ tốt nghiệp THPT. Còn với những thí sinh dự thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ muốn đạt điểm cao, ngoài nắm chắc kiến thức phải học thêm các “mẹo” để giải các câu khó.
Một số giáo viên THPT đánh giá, cấu trúc đề thi của các môn thi theo hình thức trắc nghiệm có sự thay đổi đáng kể so với năm trước. Cụ thể, đề thi có số lượng câu nhiều hơn, trong đó “cài cắm” nhiều câu khó, buộc thí sinh phải tính toán, cân nhắc giữa các đáp án.
Thay đổi cơ cấu điểm
Theo đánh giá của một số giáo viên THPT, đề thi mẫu của một số môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã có sự đổi mới theo hướng phát triển tư duy của học sinh. Như vậy, học sinh sẽ giảm bớt khó khăn trong quá trình ôn tập, cũng như vận dụng các kiến thức vào bài thi.
Đặc biệt là ở môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết có sự thay đổi về điểm số nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Ở phần I (đọc hiểu), đề thi năm nay tăng 1 điểm so với năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành văn học của xã hội.
Câu nghị luận xã hội (câu 1, phần II) tương đối phù hợp, do các em được “va chạm” với thực tiễn cuộc sống. Còn đối với câu nghị luận văn học (câu 2, phần II), nội dung đề ra chủ yếu là ở phạm vi lớp 12, đề cũng ra theo hướng mở, theo khả năng sáng tạo của các em, báo Gia đình & Xã hội đưa tin.
Hồng Nhung (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét