Chủ yếu học sinh THPT vi phạm
Tại Hà Nội, ngay từ 7 giờ sáng, lực lượng CSGT Hà Nội đã bố trí trực tại khu vực các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) để tuần tra, xử lý vi phạm.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại các trường Tiểu học, THCS trong nội thành, 100% các bậc phụ huynh khi đưa con em đến trường hoặc học sinh đi xe đạp điện đều đội MBH theo đúng quy định. Tuy nhiên, tại các trường THPT vẫn xảy ra tình trạng học sinh không chấp hành, thậm chí có mang MBH trên xe, nhưng không đội. Nhiều học sinh THPT do phụ huynh chở đến trường vẫn tỏ ra khá bất ngờ khi bị lực lượng CSGT bắt giữ, lập biên bản xử phạt.
Tại TP Hồ Chí Minh, vẫn còn không ít phụ huynh tại các trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, THCS Cửu Long... "quên" không đội MBH cho học sinh. Theo Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh, ngày 10/4, lực lượng CSGT 24 quận, huyện đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt vi phạm. Qua khảo sát, tỷ lệ học sinh không đội MBH hiện vẫn còn khá cao, nhiều trường hợp khi bị phát hiện, xử lý cho thấy phụ huynh đội MBH cho trẻ em chủ yếu để đối phó.
Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) chốt trực tại trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Ngày đầu ra quân, chủ yếu là học sinh các trường THPT đi xe đạp điện, xe gắn máy đến trường vi phạm. Từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút sáng, chốt trực đã xử lý 8 trường hợp học sinh không đội MBH đi xe đạp điện. Tất cả các học sinh này đều bị lập biên bản xử phạt theo đúng quy định và gửi danh sách về nhà trường.
Hiệu phó Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) Nghiêm Phước Hiền cho hay: Nhà trường đã tuyên truyền và hướng dẫn học sinh các quy định về ATGT trước đó trong các buổi ngoại khóa; tuyên truyền tới 100% gia đình học sinh về quy định đội MBH và ký cam kết không vi phạm. Trong ngày 10/4, học sinh nào bị phát hiện không đội MBH khi đến trường, ngoài việc phụ huynh học sinh bị xử phạt theo quy định, học sinh đó sẽ bị nhắc nhở, phê bình trước lớp, trường và sẽ đưa vào diện đánh giá thi đua.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hoài, Phó phòng Tuyên truyền Phòng CSGT Hà Nội cho biết: Ngày 10/4, Phòng CSGT huy động tất cả 15 đội CSGT ra quân phối hợp với các lực lượng công an các phường, xã, dân phòng tại chỗ tham gia xử phạt phụ huynh, học sinh không đội MBH. Ngoài các tuyến đường có trường học, khu vui chơi giải trí, lực lượng cảnh sát sẽ xử lý vi phạm ở tất cả các nút giao thông trọng điểm khác trên địa bàn thành phố. Các trường hợp bị phát hiện, bắt giữ và xử phạt, ngoài lập biên bản theo đúng quy định, sẽ gửi danh sách về nhà trường để kết hợp xử lý.
Xét hạ hạnh kiểm học sinh vi phạm
Ghi nhận của phóng viên vào giờ tan trường buổi trưa và chiều tại nhiều trường THPT của Hà Nội, còn nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe gắn máy không đội MBH. Theo Thượng úy Nguyễn Minh Đức, mặc dù lực lượng CSGT Hà Nội đã nhận lệnh phân công trực tại các trường học để xử lý vi phạm, nhưng cũng không thể phủ kín hết các trường. Do vậy, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn vi phạm hoặc cố tình đối phó. Để xử lý nghiêm, nâng cao ý thức tự giác cho phụ huynh, học sinh, từ ngày 11/4, Phòng CSGT Hà Nội sẽ thành lập các tổ tuần tra, xử lý riêng chuyên đề vi phạm không đội MBH để tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường, các cổng trường.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho hay: Sở đã thông báo đến tất cả trường học đề nghị các trường bố trí địa điểm, nơi treo, giữ MBH, tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh thực hiện quy định về ATGT. Đối với học sinh vi phạm, bị công an thông báo về trường, Sở sẽ tùy theo mức độ đề nghị nhà trường phê bình trước lớp, trường (nếu vi phạm lần 1), viết kiểm điểm, gọi phụ huynh lên trao đổi (vi phạm lần 2) và nếu tiếp tục tái phạm lần 3 sẽ hạ hạnh kiểm tháng, học kỳ. Trường nào để công an thông báo có nhiều học sinh vi phạm sẽ bị đánh giá thi đua.
Qua tìm hiểu, biện pháp xử lý của Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh. Chị Thu Hà (có con học tại Trường THPT Việt Đức) chia sẻ: "Hình thức hạ hạnh kiểm có thể khá nặng, nhưng gia đình thấy hợp lý, bởi như vậy các bậc phụ huynh và các em học sinh mới tự giác chấp hành và tạo thói quen đội MBH hàng ngày khi tham gia giao thông, vừa bảo vệ bản thân, vừa xây dựng văn hóa giao thông”.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Qua kế hoạch hành động lần này, trường nào không thực hiện tốt sẽ gửi công văn phê bình, kiểm điểm và yêu cầu Sở Giáo dục đào tạo TP xử lý triệt để.
Tiến Hiếu - Đan Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét